Cách sử dụng Facebook Audience Insights để tìm hiểu chân dung khách hàng
Facebook Audience Insights là công cụ tuyệt vời để phân tích khách hàng tiềm năng cực hiệu quả. Công cụ này sẽ phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch, chiến lược quảng cáo tiếp cận khách hàng và bán hàng để đạt hiệu suất chuyển đổi tốt nhất…
Phần trước: Hướng dẫn tạo tài khoản quảng cáo Facebook Ads cho người mới
Tại nội dung bài này mình sẽ tổng quan mọi thứ cần thiết về Facebook Audience Insight, liệt kê thêm những tính năng hữu ích cho bạn để khi cần có thể kiểm tra lại.
Bên trong công cụ này sẽ có khá nhiều thứ cần khai thác vậy nên các bạn phải đảm bảo hiểu rõ nó nhé.
Tiếp theo đó sẽ có một số những lưu ý cần quan tâm, bên cạnh là chia sẻ vài mẹo nhỏ của mình tích lũy trong quá trình sử dụng công cụ Facebook Audience Insights này, việc này sẽ giúp bạn mang lại hiệu quả tốt hơn trong việc nhắm chính xác đối tượng mục tiêu.
Có một điều bạn cần lưu ý rằng, Facebook Audience Insight chỉ là một công cụ hỗ trợ cho bạn, nên nó sẽ không có tính chính xác tuyệt đối 100%.
Những số liệu trên công cụ này dựa vào thông tin được cung cấp chủ đồng từ người dùng sử dụng Facebook và các ứng dụng liên quan có kết nối với Facebook. Vậy nên, các con số sẽ chỉ chính xác 1 phần nào đó, nhưng vẫn hơn 50-70%, bạn có thể yên tâm.
I. Facebook Audience Insight là gì?
Facebook Audience Insight là một công cụ miễn phí, nó hỗ trợ cho việc nghiên cứu thông tin người dùng toàn cầu có sử dụng Facebook, giúp cung cấp thông tin đó cho người dùng sử dụng nền tảng quảng cáo của Facebook.
Công cụ này sẽ hỗ trợ bạn khai thác dữ liệu từ trung tâm lưu trữ dữ liệu người dùng cực khủng của Facebook (Big Data Server).
Cụ thể hơn nữa, nó sẽ giúp bạn tìm hiểu sâu hơn về các số liệu đo lường như: “độ tuổi, giới tính” cùng các số liệu về nhân khẩu học, hành vi sử dụng Facebook của 1 nhóm người nào đó,…
Thuật ngữ “nhóm người nào đó” ở đây là đối tượng (audience) do bạn tạo ra và lọc ra. Đây chính là chân dung khách hàng tiềm năng từ chính bạn tưởng tượng ra và kết hợp với các công cụ tìm kiếm, nghiên cứu khác để nhập vào.
Gần như việc tưởng tượng ra thời gian đối tượng của bạn online trong 1 ngày tại giờ vàng đăng bài lên Facebook thì ở đây bạn sẽ tưởng tượng về những thứ khác tổng quan hơn của khách hàng tiềm năng.
Trước khi có kết quả chính xác nhất từ thống kê của các Facebook Ads mà bạn chạy, thường thì ban đầu bạn chưa hề có chút kinh nghiệm nhận định đối tượng nào cho chính xác, cho nên các bạn phải tự tưởng tượng ra theo kinh nghiệm của mình.
Ví dụ:
- Nữ 22-35, là dân công sở văn phòng, đang sống độc thân và hiện đang sinh sống ở tại TPHCM, đối tượng này có sở thích về giày dép.
- Bên cạnh đó là những đối tượng này đã và đang thích 1 fanpage nào đó có liên quan đến sở thích giày dép.
- Trong Profile của Facebook cá nhân ở mục sở thích họ đưa ra là giày dép.
Bây giờ, bạn sẽ tiện lợi hơn khi có các công cụ hỗ trợ, ngoài tưởng tượng ra chân dung khách hàng rồi ghi vào sổ, bạn cũng có thể sử dụng Audience Insights để khám phá các thông tin bên trên.
Nó có thể giúp bạn lấy số liệu cụ thể hoặc thông tin về những người đã thích fanpage của bạn đang quản lý, nếu tinh vi hơn là tìm hiểu khách hàng của đối thủ.
Luôn spy để học hỏi và phát triển không ngừng từ chính đối thủ cạnh tranh sẽ giúp bạn đi nhanh hơn.
Tất cả điều trên nhằm mục đích chính là giúp bạn có thể xác định được khách hàng tiềm năng chuẩn hơn để:
- Hình dung được chân dung khách hàng tiềm năng của bạn được rõ hơn.
- Tìm đúng sở thích khách hàng để nhắm mục tiêu trên Facebook Ads.
- Xem cách làm của đối thủ xem họ đang làm gì, có gì hay, thu thập ý tưởng để làm tốt hơn.
- Quyết định triển khai kế hoạch và chiến lược marketing của bạn sắp tới khi có đủ các điều trên.
Lưu ý: Hiện tại,tin buồn là Facebook Audience Insights đã lược bỏ đi tính năng phân tích tệp đối tượng tuỳ chỉnh (Custom Audience – CA) rồi. Đây thật sự là 1 thiệt thòi khá là lớn với chúng ta, những người làm Social Marketing.
Chúng ta sẽ không còn dùng CA để phân tích được những tệp quan trọng như trước nữa, chẳng hạn như: “phân tích traffic đổ vào website, tệp được xây dựng từ list Email, số điện thoại, tệp người sử dụng ứng dụng của bạn,…“.
Mình cũng khá tiếc với việc loại bỏ đi tính năng quan trọng này.
Với những bạn sử dụng hình thức Paid Traffic, sau khi đã bỏ ra một khoản ngân sách chạy quảng cáo, để thu thập được những tệp khách hàng đầu tiên với lượng lớn khách hàng đăng ký thì việc lưu trữ lại dữ liệu rất quan trọng.
Các dữ liệu này giúp nhà bán hàng phân tích kĩ hơn về tệp khách hàng đó, giúp mình tối ưu được rất nhiều thứ cho những chiến dịch đã và đang chạy hoặc chuẩn bị xây dựng nên một chiến dịch mới nữa.
Có thể nhiều bạn sẽ thắc mắc là những thông tin mà Facebook Audience Insights cung cấp cho chúng ta đào ở đâu ra? Vì sao Facebook lại có được những dữ liệu người dùng khủng lồ và chính xác như vậy?
Như mình đề cập bên trên rồi đó, ở đây có 2 nguồn dữ liệu cung cấp chính:
1. Dữ liệu từ thông tin mà người dùng chủ động cung cấp cho Facebook:
Đây là những dữ liệu khi mà người dùng đăng ký Facebook hoặc trong quá trình họ sử dụng sẽ điền vào để hoàn tất Profile.
Facebook sẽ hỏi người dùng về các thông tin này để cải thiện trải nghiệm người dùng như:
- Họ tên
- Ngày tháng năm sinh (tuổi)
- Giới tính
- Tình độ học vấn
- Tình trạng hôn nhân
- Tôn giáo
- Công việc hiện tại và quá khứ
- Nơi ở hiện tại
- Quê quán
- Thích các trang nào
- Nhạc yêu thích
- … tóm lại là gần như trọn bộ một profile người dùng.
2. Dữ liệu của thông tin từ đối tác (bên thứ ba):
Khi một người dùng Facebook mua hàng thông qua 1 trang web đối tác của Facebook, các dữ liệu của người mua hàng, khảo sát sẽ được Facebook ghi nhận. Đơn cử như hành vi mua sắm, thu nhập hộ gia đình,…
Với nhiều nhà quảng cáo, Facebook Audience Insight này là một công cụ cực kỳ hữu ích để có thể phân tích khách hàng tiềm năng theo mong muốn của họ.
Tuy nhiên mình nhắc lại, nó cũng chỉ là công cụ, còn sử dụng như thế nào để có thể đạt được hiệu quả cao như mong muốn là vấn đề của mỗi người dùng.
Bởi nó cần áp dụng tư duy làm sao để lập được tệp khách hàng tiềm năng hiệu quả theo sản phẩm của mình. Vì dữ liệu được cung cấp cũng chỉ mang tính chất tương đối thôi.
Tiếp nối ở phía trên, phần này mình giải thích theo quan sát của mình:
- Đó là dữ liệu ở thị trường quốc tế thường rất chính xác và sâu, họ có tỷ lệ trung thực cao hơn, hoặc chỉ cần dựa vào số ID họ cấp là ra được đủ thông tin.
- Còn dữ liệu ở Việt Nam của mình thì chính xác đôi lúc khá kém rõ ràng, do tình trạng người dùng điền thông tin sai lệch khá nhiều và nhất là lượng lớn nick ảo được lập ra phục vụ cho nhiều mục đích.
Chính vì những nguyên do đó mà đã dẫn đến sự chênh lệch của dữ liệu bị tăng lên tại thị trường Việt Nam, độ kém chuẩn xác cao với những đối tượng ảo.
Tuy nhiên dữ liệu đó vẫn khá chính xác nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm phân tích dữ liệu dựa theo những số liệu này tại thị trường Việt Nam. Mình ước tính cũng phải trên 50%.
II. Hướng dẫn sử dụng Facebook Audience Insight
Nếu bạn chưa có tài khoản Facebook Business, thì xem hướng dẫn TẠI ĐÂY
1. Truy cập Audience Insight
Bước 1: Bạn có thể truy cập thông qua trình quản lý của Facebook Business, tại phần Kế hoạch (Plan) bạn chọn Thông tin chi tiết về đối tượng (Audience Insights).
Bước 2: Lần đầu khi bạn truy cập vào thì nó sẽ hỏi rằng bạn có muốn tham quan để tìm hiểu thêm hay không, nếu đã biết bạn có thể bỏ qua bằng cách chọn Không phải lúc này, nếu chưa có thể chọn Tham quan.
Bạn có thể chọn Tham quan luôn và next để lần sau nó không hiển thị lại nữa.
Khi tham quan thì nó sẽ hướng dẫn các bạn 5 mục cơ bản bên dưới:
- Xác định đối tượng của bạn: Nhập đối tượng tùy chỉnh, thông tin nhân khẩu học, sở thích, hành vi và các thông tin khác để xác định đối tượng của bạn.
- Tìm ra ai đang ở trên Facebook: So sánh đối tượng của bạn (màu xanh) với tất cả mọi người trên Facebook (màu xám) để phát hiện những đặc điểm riêng của họ.
- Tìm hiểu đối tượng của bạn: Nhấp vào những tab này để tìm hiểu về nhân khẩu học, sở thích và hành vi.
- Lưu đối tượng của bạn: Hãy lưu đối tượng của bạn để sử dụng trong tương lai. Đối tượng sẽ có sẵn trong phần Đối tượng của Trình quản lý quảng cáo.
- Tạo quảng cáo: Tiếp cận ngay đối tượng của bạn bằng cách tạo quảng cáo.
Lần sau khi bạn truy cập vào sẽ không còn nhìn thấy bảng này nữa, nó chỉ dành cho người mới.
Bước 3: Khi vào tới phần Audience Insights, bạn sẽ thấy 1 bảng hiển thị với bạn là hãy bắt đầu chọn đối tượng khách hàng muốn khám phá:
- Mọi người trên Facebook (Everyone on Facebook): Đây là lựa chọn mặc định. Nếu bạn chọn lựa chọn này, Audience Insights sẽ hiển thị kết quả dữ liệu của toàn bộ những người đang sử dụng Facebook.
Mặc định sẽ là US (Hoa kỳ), bạn có thể chọn quốc gia khác như Việt Nam.
Tuy nhiên tất cả trong 1 quốc gia nào đó là rất rộng, rất chung nên bạn có thể tùy chọn thành địa điểm thành phố cụ thể, sở thích, độ tuổi, nhân khẩu học,…mà bạn muốn khám phá khi vào trong.
- Người kết nối với Trang của bạn (People connect to your Page): Nếu bạn có xây dựng fanpage và muốn tìm hiểu thêm nhiều thứ về những người đã like trang của bạn, thì bạn hãy chọn lựa chọn này.
Bước 4: Chọn mục Mọi người trên Facebook thì bảng sau đây hiện ra để giúp bạn có thể hình dung rõ hơn về bộ lọc theo mong muốn của Audience Insights:
2. Xây dựng Audience để bắt đầu nghiên cứu
• Vị trí (Location): Lọc theo địa điểm cụ thể (Quốc gia, thành phố)
• Tuổi và Giới tính (Age and Gender): Lọc theo độ tuổi và giới tính
• Sở thích (Interest): Lọc theo sở thích người dùng. Bạn có thể thêm các sở thích cụ thể ở trong lĩnh vực bạn đang làm để khám phá thêm audience của nhóm đối tượng tiềm năng bạn nhắm tới.
• Kết nối (Connection) – Trang (Pages): Những người được kết nối và không được kết nối với trang của bạn.
• Nâng cao (Advanced): Tùy chọn nâng cao, tại đây bạn có thể lọc Audience thật kỹ hơn theo:
- Hành vi (Behaviors): Các hành vi như thiết bị điện thoại đang sử dụng, hành vi thanh toán qua Facebook, người nước ngoài sinh sống tại thành phố đang xét đến, hành vi tham gia vào các ngày lễ, mùa giải , hành vi du lịch,… (nếu có).
- Ngôn ngữ (Language): Ngôn ngữ người dùng Facebook sử dụng
- Tình trạng quan hệ (Relationship Status): bao gồm tình trạng hôn nhân, độc thân, trong một mối quan hệ, đính hôn, có gia đình, hoặc chưa chỉ định (không rõ).
- Học vấn (Education): Đối tượng đang học trung học, đại học hay cao học.
- Công việc (Work – Job Title): Lọc theo dành mục nghề nghiệp. Bạn có thể điền chức danh nghề nghiệp cụ thể vào đây như “Giáo dục và thư viện“, ngoài ra có thể lọc theo văn phòng tại nhà, văn phòng nhỏ, hoặc công ty/tập đoàn.
- Phân khúc thị trường (Market Segments): Lọc theo thị trường African Americans (Mỹ gốc Phi), Asian Americans (Mỹ gốc Á), Hispanics (Người gốc Tây Ban Nha). Bạn có thể tra thêm phần này tại Google nếu cần.
- Cha mẹ (Parents): Tình trạng con cái. Bạn có thể lọc theo gia đình có trẻ em 0-12 tháng, 0-2 tuổi, 3-5 tuổi, 6-8 tuổi, 8-12 tuổi, 13-18 tuổi, 18-26 tuổi.
- Chính trị (Mỹ) – Politics (US): Chính trị (chỉ có dữ liệu của US), có thể lọc theo việc hoạt động chính trị tích cực, hoặc theo chủ nghĩa tự do, bình đẳng,….
- Sự kiện trong đời (Life Events): Lọc theo các sự kiện quan trọng trong đời như xa nhà, xa quê hương, có tình yêu xa, có công việc mới, mối quan hệ mới, mới chuyển nhà hoặc có sinh nhật sắp tới.
III. Khám phá dữ liệu được hiển thị
Sau khi bạn điền đủ các thông tin về Audience mà bạn muốn khám phá, nếu như Audience của bạn đủ lớn, kết quả sẽ được hiển thị ở khu vực còn lại của màn hình.
Sẽ có rất nhiều các thống kê về lượng Audience của bạn, mình sẽ đi chi tiết với ví dụ sau:
Dưới này là mình khám phá Audience với các thông tin sau:
- Vị trí: Việt Nam
- Tuổi: 20 – 35
- Giới tính: Nữ
- Sở thích: Yoga
- Tình trạng quan hệ: Độc thân và đang hẹn hò (nghĩa là những người chưa có gia đình)
Đầu tiên các bạn thấy kết quả hiển thị là có tất cả 900K đến 1 triệu người hoạt động hàng tháng tương ứng với tiêu chí mà bạn đã lọc. Bây giờ, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn từng kết quả tìm được.
Nhân khẩu học (Demographic)
Số liệu đầu tiên mà Facebook sẽ hiển thị cho các bạn là tình trạng nhân khẩu học của Audience đang nhắm đến, sẽ bao gồm các thông tin về “độ tuổi, giới tính, lối sống, tình trạng hôn nhân, trình độ giáo dục, nghề nghiệp“.
• Độ tuổi và giới tính (Age and Gender)
Tại đây, vì mình chỉ chọn Nữ, nên bạn có thể thấy số liệu hiển thị 100% là Nữ.
Mình chỉ xét độ tuổi trong phạm vi từ 20 đến 35 tuổi thôi nên => 18 đến 24 tuổi chiếm 59%, 25 đến 34 tuổi chiếm 40% và 35 đến 44 tuổi chỉ chiếm 0.8%
• Tình trạng quan hệ và trình độ học vấn (Relationship Status and Education Level)
Độc thân là 81% và đang hẹn hò là 19% . Lúc đầu thiết lập mục tiêu mình đã chọn 2 tùy chọn này, chủ yếu mình muốn nhắm tới những người chưa lập gia đình nhé.
Tiếp theo, trong Audience của mình có khoảng 20% đang học trường trung học, 77% trình độ đại học, 3% là học cao học.
Lưu ý: Các bạn vẫn nên nhớ những dữ liệu này chỉ mang tính chất tương đối mà thôi, không thể tuyệt đối được.
Có rất nhiều người trong thời gian học Trung học đã khai báo lên Facebook là học Trung học, sau này lên Đại học hoặc Cao học họ “lười đổi lại” nên dữ liệu của họ vẫn chưa thay đổi, nên nó vẫn tính là Trung học.
Tất cả thông tin này có được là do Facebook lấy thông tin từ sự khai báo của người dùng nên bạn không thể tránh được nếu sai sót nhé!
• Nghề nghiệp (Work): Chức danh nghề nghiệp
Điều này cho thấy với lượng khách hàng mình đang nghiên cứu, có nhiều người đang làm các ngành nghề thuộc Dịch vụ hành chính, Quản lý, Bán hàng, Sản xuất,…
Số lượt thích trang (Page Likes)
Các trang đã thích và các chủ đề quan tâm của nhóm đối tượng này.
Hạng mục hàng đầu (Top Categories): Nếu bạn còn nhờ lúc mới sử dụng Facebook thì Facebook có hỏi bạn về 1 số sở thích.
Trong bảng này sẽ thống kê các hạng mục hàng đầu được thích nhiều nhất của lượng Audience bạn đã nhắm chọn.
Bạn có thể thấy những chủ đề được thích nhiều nhất đối với Audience của mình được hiển thị như bảng dưới đây: TOP là về thời trang và làm đẹp.
Số lượt thích trang (Page Likes): Dựa vào lượt thích các trang của lượng Audience đang nhắm đến, Audience Insights sẽ hiển thị cho bạn thấy TOP đầu các trang có khả năng liên quan đến tệp đối tượng của bạn nhiều nhất.
Liên quan (Relevance): là xếp hạng độ liên quan của trang đó đối với nhóm đối tượng Audience của bạn dựa vào số lượng thích trang trong tổng số Audience, chỉ số này = 1 nghĩa là có liên quan nhiều nhất.
Đối tượng (Audience): là số lượng người trong Audience của bạn đã thích trang.
Mức độ yêu thích (Affinity): là mức độ quan hệ hoặc yêu thích giữa Đối tượng và Trang. Chỉ số này và số lượng Đối tượng (Audience) đã thích trang ảnh hưởng trực tiếp đến thứ hạng của độ Liên quan (Relevance).
Vị trí (Locattion)
Ở tại tab này, bạn có thể xem được là trong lượng đối tượng mà bạn đang tìm hiểu thì mật độ dân số sẽ nằm ở thành phố nào nhiều nhất, quốc gia nào nhiều nhất và sử dụng ngôn ngữ nào nhiều nhất.
Như đối tượng của mình đang xét đến thì dân số từ Hà Nội là nhiều nhất với 22%, kế đó là Đà Nẵng 3% và Cần Thơ – Quán Tre – Long Thạnh Mỹ – Hải Phòng – Đồng Nai chiếm 2%.
Hoạt động (Activity)
Ở tại tab này bạn sẽ có được các thông tin như sau:
Tầng suất hoạt động (Frequency of Activities): Tần suất hoạt động ở đây dựa vào hoạt động của người dùng.
Facebook sẽ hiển thị số lượng thích trang trung bình của tất cả đối tượng mà bạn đang nghiên cứu, như số lượng bình luận, thích bài viết, chia sẽ bài viết, nhận khuyến mãi, nhấn vào quảng cáo trong 30 ngày gần nhất.
Bạn có thể so sánh con số này với 1 lượng đối tượng khác hoặc so sánh với mặt bằng chung của Facebook, tùy vào mục đích sử dụng của bạn.
Người dùng thiết bị (Device Users): Là thiết bị mà người dùng đang sử dụng. Bạn có thể xem qua đối tượng của bạn phần lớn sử dụng thiết bị gì để online Facebook trong 30 ngày qua nhé.
IV. Sử dụng Facebook Audience Insight thế nào để nhắm mục tiêu hiệu quả?
Bên trên là tất cả những gì mà bạn có thể làm và thu thập được dữ liệu từ việc nghiên cứu bằng công cụ Audience Insight của Facebook cung cấp rồi.
Tuy nhiên, nếu như chỉ có vậy thì nhà quảng cáo nào cũng sẽ có 1 tệp như nhau và ai cũng target như ai, không có bất cứ điều gì sáng tạo cả.
Lời khuyên của mình là, bên cạnh các công cụ máy móc thì bạn cần có thêm những tư duy cảm tính, nghiên cứu bên ngoài thông qua các phương tiện khác trên Google,… để tìm hiểu thêm về sở thích, hành vi, lối sống của tệp đối tượng bạn muốn nhắm đến.
Sau khi xong, tổng hợp lại mang vào Audience Insight kiểm tra lại hoặc phân tích thêm xem khớp không, có gì chênh lệch không.
Vì nếu như chỉ có target ngay đúng đối tượng bạn muốn quảng bá thôi hay tiếp cận bằng một từ khóa chính nào đó, thì mình nghĩ bạn có thể bỏ lỡ rất nhiều điều và target của bạn thật sự rất củ chuối.
Dưới này, mình lấy thêm ví dụ cho bạn dễ hiểu: “Bạn quảng bá hay kinh doanh những lĩnh vực có giá trị cao như ô tô, bất động sản, thiết bị công nghệ“.
Vậy qua ví dụ trên thì đối tượng mục tiêu của bạn sẽ là những ai? Lúc này bạn phải tự tư duy, vẽ ra chân dung của họ trước.
- Đó sẽ là những người khá thành đạt một chút, có thể ở vị trí trưởng phòng trở lên hay tự làm chủ.
- Họ ở độ tuổi ít nhất là từ 27-30.
- Là những người sử dụng các thiết bị, đồ dùng, dịch vụ giá trị cao như dùng điện thoại iPhoneX, Samsung Galaxy Note 9.
- Đang đang sinh sống ở các chung cư cao cấp như Vinhome, Sunrise City, hay Phú Mỹ Hưng,…
Chính như vậy bạn mới có thể gom tệp đối tượng lại cho đúng những người có khả năng quan tâm, mua hay sử dụng sản phẩm dịch vụ đắt tiền của bạn.
Và những điều này, nếu như ta chỉ phụ thuộc vào công cụ Audience Insight bạn chắc chắn sẽ bỏ lỡ.
Bạn hãy nhớ rằng, marketer ăn nhau ở cái đầu, 70% đến từ tư duy, 30% chỉ là kỹ thuật mà thôi.
Xem thêm: Tư duy chạy quảng cáo trên facebook hiệu quả hơn chú trọng kỹ thuật
V. Kết luận
Làm quảng cáo thì bạn phải luôn kết hợp linh hoạt giữa tư duy, vốn kinh nghiệm của một người làm quảng cáo, hãy kết hợp với các công cụ có thể để tạo nên tính hiệu quả hợp tác giữa các thứ này.
Facebook Audience Insight sẽ là một công cụ giúp bạn khai thác dữ liệu chính xác từ Facebook cho các mục đích tiếp thị gần nhất của bạn.
Chẳng hạn bạn có thể lấy dữ liệu mà bạn phân tích được, sau đó mang vào Facebook Ads hoặc gom lại được tất cả các trang đang kinh doanh mặt hàng như bạn, theo dõi họ ở chế độ xem trước.
Tại tất cả các trang này, bạn để xem trước với mục đích là khi thông tin họ đăng lên, bạn sẽ luôn có thể nhìn thấy ưu tiên, từ đó hãy học tập họ trước, làm theo cho quen rồi nghiên cứu, sáng tạo ra lối đi riêng.
Riêng với thị trường nước ngoài thì công cụ Facebook Audience Insight thật sự hữu ích, nó đã từng giúp rất nhiều marketer nghiên cứu đối tượng chính xác và target mục tiêu khá tốt. Bởi vì người nước ngoài họ khai báo rất chính xác thông tin trên Facebook.
Phần kế: Kiến thức quảng cáo trên Facebook Ads cơ bản cho người mới bắt đầu
Bạn có thể liên hệ với Lộc Nguyễn qua trang cá nhân hoặc để lại bình luận bên dưới để cùng thảo luận, mình sẽ giải đáp trong đa 12-24h, trừ khi mình bận sẽ lâu hơn xíu.