BLOG CHIA SẺ

Kết nối kiến thức

Hướng dẫn chạy quảng cáo Facebook Ads cơ bản cho người mới bắt đầu

Hướng dẫn chạy quảng cáo Facebook Ads – Kiến thức cơ bản cho người mới trước khi tạo chiến dịch đầu tiên

Từ lâu Facebook đã trở thành một mảnh đất kiếm tiền cho nhiều người. Để có những bài hướng dẫn chạy quảng cáo Facebook Ads cơ bản cho người mới bắt đầu này thì mình cũng từng trải thực tế để chia sẻ lại để bạn đỡ đốt nhiều tiền vô ích hơn và có chút kết quả mong đợi hơn…

Phần trước: Cách sử dụng Facebook Audience Insights để phân tích khách hàng tiềm năng

Nếu bạn đang đọc bài viết này thì mình nghĩ bạn đang quan tâm về vấn đề Facebook Advertising, viết tắt là Facebook Ads. Nghĩa của nó bạn có thể hiểu là hình thức chạy quảng cáo Facebook.

Trước đó có thể bạn đã từng chạy Facebook Ads hoặc chưa, nhưng có phải bạn nghĩ khá đơn giản về nó? Như chỉ việc thiết lập quảng cáo là chắc chắn ra chuyển đổi (đơn hàng)?

Không đâu, đó là do bạn chưa có kiến thức hoặc chưa hiểu rõ về bản chất của Facebook Ads. Nói rõ hơn bạn chưa thật sự hiểu về các chức năng cũng như cách hoạt động của hình thức quảng cáo trên Facebook.

Đặc biệt là bạn đang thiếu những kiến thức gốc rễ cơ bản nhất là nguyên nhân khiến cho không ít nhà quảng cáo, người quảng cáo, doanh nghiệp đốt tiền cho Facebook một cách vô ích và chả mang lại lợi nhuận gì hay thậm chí là lỗ nặng.

Vậy nên nên bài viết này mình sẽ tổng hợp kiến thức quảng cáo trên Facebook Ads cơ bản cho người mới bắt đầu, deder giúp bạn hiểu sâu hơn về Facebook Ads cơ bản trước, sau đó là những hình thức nâng cao hơn.

I. Về quảng cáo Facebook (Facebook Ads)

1. Facebook Ads là gì?

Gọi nôm na là một hình thức quảng cáo trên Facebook, tức là bạn sẽ mua vị trí hiển thị của Facebook để truyền tải thông điệp quảng cáo của bạn đến với tất cả người dùng trên Facebook thuộc nhóm khách hàng tiềm năng mà bạn nhắm tới.

Chi tiết hơn bạn xem sau tại mục 1 bài viết này:

Xem thêm: Hướng dẫn tạo tài khoản quảng cáo Facebook Ads cho người mới

2. Quy trình của Facebook Ads

Thứ 1: Bạn cần phải tìm hiểu mọi thứ về Facebook Ads thật rõ ràng trước khi chạy quảng cáo trên Facebook để tránh đốt tiền một cách lãng phí và gây sự thất vọng.

=> Ban đầu có thể sẽ phải đốt tiền nhưng hãy đốt tiền một cách khoa học có tính toán, việc đốt tiền giúp bạn nhận ra đâu là chiến dịch hoạt đồng tốt và trỏ đúng đối tượng tiềm năng bạn cần.

Thứ 2: Bạn phải hiểu rõ đối tượng tiềm năng mà bạn đang nhắm tới.

Nó còn gọi khách hàng mục tiêu, nếu không chắc chắn bạn sẽ lãng phí rất nhiều ngân sách mà kết quả thì chắc chắn thất bại.

=> Như trên, nếu ban đầu bạn chưa có được đối tượng tiềm năng, chắc hẳn bạn phải đốt ít tiền để tìm ra nguồn khách hàng tiềm năng chính xác nhất.

Để làm được điều này trước tiên cần:

Hiểu rõ sản phẩm của bạn:

  • Nhu cầu đề sử dụng sản phẩm đó là gì?
  • Nó có những ưu điểm gì?
  • Nó khác biệt như thế nào với sản phẩm khác?
  • Tại sao khách hàng nên chọn nó thay cho sản phẩm khác?

Bạn phải đặt câu hỏi thật nhiều để tìm ra câu trả lời cho giá trị sản phẩm mong muốn và sự đón nhận từ khách hàng.

Hiểu rõ khách hàng của bạn:

  • Họ là ai?
  • Bao nhiêu tuổi?
  • Sống ở đâu?
  • Sở thích là gì?

Để làm được điều này bạn phải hoàn tất bước đặt câu hỏi để khoanh vùng đối tượng, sau đó phân tích ra chi tiết hơn về đối tượng khách hàng bạn sẽ nhắm tới.

Bạn có thể kéo lên trên đọc phần trước về Audience Insights.

Thứ 3: Nội dung truyền tải (content).

Trước khi chạy một chiến dịch Facebook Ads, bạn cần chuẩn bị một kịch bản cụ thể trước, để có được truyền tải và ý tưởng hay, tất nhiên bạn cần hiểu rõ về sản phẩm/dịch vụ và khả năng chém gió (hay mà thật).

Từ đó viết một bài viết (post) có giá trị, gây được sức hút và sự hấp dẫn cho người đọc. Để làm được điều đó nó phụ thuộc vào nội dung của bạn phải thật sự chất lượng và am hiểu tâm lý người dùng để chạm nhẹ vào nỗi đau của họ.

Kế đó thông điệp thông qua hình ảnh/video của bạn cũng phải có đủ sức mạnh thu hút người xem, bởi thường người ta sẽ dừng lại ở hình ảnh xem rồi mưới đọc tới nội dung.

Thứ 4: Nội dung quảng cáo (Ad content).

Tương tự như nội dung truyền tải, bạn cũng đang truyền tải một thông điệp tới khách hàng. Tuy nhiên không chỉ là quảng cáo về sản phẩm thông dụng như bên trên nữa.

Phần này chính là từ những dòng đầu tiên, hãy viết một nội dung quảng cáo truyền tải nhu cầu thích thú nhất của khách hàng, để họ thấy nó có sức lôi kéo mạnh mẽ và khiến họ phải ra quyết định hành động ngay để đáp ứng phù hợp với nhu cầu của họ.

Đại loại như bạn đưa các thông điệp về khuyến mãi, giảm giá, quà tặng lên đầu tiên nếu đang bán hàng và thông điệp đó phải hút họ ra quyết định mua vì nó quá hời.

Tiếp đó là thông điệp thời hạn/giới hạn là nếu họ không mua ngay thì họ sẽ mất cơ hội về tay người khác, buộc họ phải hành động tức thời.

Kế đó là lời kêu gọi hành động, khách hàng có thể sẽ rất quan tâm nhưng họ không biết phải liên hệ hay đặt hàng thế nào, hãy cho họ thấy 1 nút: liên hệ ngay, mua ngay, đăng ký ngay, xem ngay, tìm hiểu thêm,…

=> Nó được gọi là bút CTA – Call to aciton – Kêu gọi hành động.

Tóm lại 3 thông điệp đầu tiên của Ads content mà mình muốn nhấn mạnh tới bạn: Tạo kích thích – Gây hoang mang lo lắng – Ra quyết định ngay – Chốt sale

Như vậy, tổng hợp những kiến thức quảng cáo Facebook Ads mà mình đưa ra ở bài viết này với mục đích giúp bạn hiểu rõ hơn về những điều cơ bản, nên nội dung trong đây sẽ chưa thể hướng dẫn bạn sẽ set-up hay chạy chiến dịch quảng cáo nào cụ thể.

Tuy nhiên mình hi vọng nó sẽ giúp bạn lấp đầy được phần nào những thiếu sót mà có thể trước đó bạn chưa hề biết đến để bạn có kết quả tốt hơn.

Bây giờ bạn hãy theo dõi tiếp phần phân tích chi tiết hơn để hiểu rõ hơn về chạy quảng cáo Facebook cần chuẩn bị thế nào nhé?

II. Vai trò của nội dung quảng cáo

1. Tổng quan về nội dung quảng cáo (Ad Content)

Nội dung quảng cáo (Ad content) được nhắc ở trên chính là toàn bộ những gì mà đối tượng khách hàng thấy khi quảng cáo của bạn được hiển thị qua newsfeed của họ hay các vị trí hiển thị khác mà họ thấy.

Đó có thể là một bài biết hình ảnh/video hoặc chuyển đổi về Website hoặc trỏ đến một Landing Page bán hàng trên Website của bạn.

Như bạn biết, khách hàng hay chúng ta đều có thói quen lướt Facebook rất nhanh, nếu bạn đăng 1 bài viết mà không có gì nổi bật để giữ họ dừng lại xem thì thời gian lướt mất càng nhanh hơn, nó có thể là chưa tới 1 giây với nội dung ảnh và 3s với nội dung video.

Bạn muốn viết content hay và hiệu quả hãy:

Xem thêm: Công thức 7 bước tạo nên một trang bán hàng hiệu quả vượt trội

2. Tại sao Ad content quan trọng?

Nội dung quảng cáo rất quan trọng, nhưng nó cũng giống như 1 bài đăng bình thường. Vì vậy, những nội dung này phải thật sự nổi bật đối với người xem, nó nên là video vì sẽ tự phát, 3 giây đầu video là gì đó sốc đập ngay vào tiềm thức, thính giác để họ ngừng lại.

Nếu bạn làm tốt, họ sẽ tiếp tục xem thêm nội dung đó và phần sau chiếm thêm tỷ lệ quyết định mua hàng của họ. Nếu bạn làm không tốt, tất nhiên họ cũng sẽ lướt đi như 1 cơn gió nhẹ, nhấn nhá gọi là lướt Facebook đó.

Chẳng hạn như ở mẫu quảng cáo của Edumall dưới đây, vì họ đã đầu tư về hình ảnh khá chất lượng, nên khi bấm vào landing page họ cũng làm khá đẹp mắt luôn.

Kiến thức quảng cáo trên Facebook Ads cơ bản cho người mới bắt đầu
Một quảng cáo của Edumall khá chất

Những yếu tố về mặt thẩm mỹ phát huy hiệu quả cực tốt, nó quyết định trực tiếp đến hành vi mua hàng của người dùng khi ấn vô liên kết xem tiếp.

3. Lưu ý hiệu quả của Ad content khi quảng cáo

Cái quan trong nhất đó là bạn phải hiểu rõ tầm quan trọng của một bài post dùng chạy quảng cáo Facebook để đầu tư vào sản phẩm (post) sẽ chạy quảng cáo:

  • Hình ảnh đẹp, hấp dẫn, thu hút, khớp nội dung
  • Video thú vị, âm thanh rõ, nhạc phù hợp và nội dung của video tốt
  • Nội dung quảng cáo viết hay luôn thu hút được khách hàng.

Cần lưu ý, những dòng đầu tiên (5-7 dòng) quan trọng nhất hiển thị trước khi tới chữ xem thêm (see more) phải có đủ sức hấp dẫn như quảng cáo trên, tuy nhiên nó phụ thuộc vào bạn đang làm gì nữa:

Nếu bạn đang bán hàng:

  • ngôn ngữ hành động – action (Bạn chỉ việc để lại SĐT sẽ có nhân viên tư vấn, hay để để lại SĐT để đặt hàng nhanh,…).
  • Thông tin liên hệ (thông tin doanh nghiệp như SĐT) dành cho khách hàng không thích comment mà chỉ muốn gọi trực tiếp nhanh gọn lẹ.
  • Ngôn ngữ kích thích sở thích: Giảm giá, khuyến mãi, quà tặng,…
  • Giới hạn: Luôn đặt một giới hạn nào đó cho thời gian sự kiện, số lượng sản phẩm bán ra khuyến mãi, số lượng quà tặng giới hạn,… để kích thích sự khan hiếm và tốc độ để khách hàng cảm thấy phải nhanh kẻo hết, phải làm ngay, không thì tiếc…

Nếu bạn đang bán dịch vụ:

  • Bạn có thể làm một nội dung như bán hàng sản phẩm ở trên
  • Bạn có thể sử dụng thêm ngôn ngữ lợi ích sản phẩm/dịch vụ trên dòng 1 Title (tiêu đề) như bài quảng cáo Edumall
  • Bạn có thể sử dụng ngôn ngữ kích thích hành động nhanh liên quan tới thời gian để khách hàng dễ bị cuốn hút vì đa số khách hàng đề lười nếu học một cái gì đó quá lâu mới giỏi.

Và khi đã có nội dung rồi, nhưng không phải là cứ đăng bừa, hãy đăng bài vào khung giờ mà khách hàng của bạn online đọc nhiều nhất dựa vào thống kê chi tiết của page và nghiên cứu của bạn để tăng hiệu quả, không lãng phí công sức chuẩn bị.

Xem thêm: Giờ vàng đăng bài lên Facebook để tăng tương tác hiệu quả

III. Khách hàng tiềm năng của bạn là ai?

1. Khách hàng tiềm năng là gì?

Như mình đã đề cập ở trên, để chạy được quảng cáo Facebook hiệu quả, bạn chắc chắn phải biết và xác định được khách hàng mà bạn đang nhắm tới là ai để có thể trỏ quảng cáo tới đúng đối tượng tiềm năng đang có nhu cầu.

Dưới đây có 3 nhóm khách hàng chính mà bạn cần biết tới:

1.1 Cold traffic – Tiếp cận nhóm khách hàng lạnh

Những người này và bạn chưa biết đến nhau. Họ chưa từng mua sản phẩm của bạn.

Vậy nên chạy quảng cáo tới những người này thì tỉ lệ bạn bán được hàng sẽ rất thấp đấy. Sản phẩm của bạn phải cực kỳ nổi bật, nội dung quảng cáo phải thật hay thì mới có khả năng cho ra kết quả tốt.

1.2 Warm traffic – Tiếp cận nhóm khách hàng ấm

Những người này đã từng có tương tác với bạn trong quá khứ hoặc gần đây.

Chẳng hạn họ đã từng vào website đọc bài viết của bạn, đã like fanpage của bạn, đã một hoặc vài lần tham gia event mà bạn tạo trên Facebook, đã từng điền tên và email vào form thu thập email của bạn, đã mua hàng ít nhất 1 lần…

Tóm lại là nhóm khách hàng đã từng có quan tâm đến doanh nghiệp hay sản phẩm của bạn ở quá khứ hoặc hiện tại gần đây.

Khi bạn tương tác với nhóm khách hàng này thì tỉ lệ chuyển đổi sẽ cao hơn nhóm khách hàng lạnh ở trên. Tuy nhiên cũng phải luôn đảm bảo sự tốt nhất cho họ.

1.3 Hot traffic – Tiếp cận nhóm đối tượng khách hàng nóng

Là những người đã từng mua hàng hay sử dụng dịch vụ của bạn trong quá khứ hoặc gần đây. Nếu sản phẩm/dịch vụ của bạn tốt thì hot traffic sẽ chính là những khách hàng tiềm năng nhất trong 3 loại khách hàng mà mình kể trên.

Vì khi họ đã từng sử dụng qua sản phẩm/dịch vụ của bạn ít nhất 2 lần trở đi. Họ cũng đã có trải nghiệm tốt thì hiển nhiên họ chắc chắn sẽ tiếp tục chi tiền thêm 3 lần, 4 lần hay thậm chí là “n” lần nữa để sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn.

Bởi họ rất tin dùng bạn, đừng làm họ thất vọng, hãy luôn khiến sản phẩm chất lượng nhất và hậu mãi để họ trung thành với bạn dài hạn. Doanh nghiệp sống còn nằm ở nhóm khách hàng thường xuyên này.

Xem thêm: Nhận diện 11 loại khách hàng này giúp tăng hiệu quả bán hàng

2. Chiến lược áp dụng với khách hàng tiềm năng

Đối với mỗi loại khách hàng ta cần có những chiến lược đúng để hấp dẫn họ. Vậy nên chiến lược tiếp cận khách hàng tốt nhất mà bạn có thể áp dụng vào kinh doanh đó chính là:

  • Mang lại giá trị thiết thực cho Cold Traffic
  • Target bán hàng chuẩn đến Warm Traffic
  • Chăm sóc tâm lý để sử dụng chiến lược upsell (bán các sản phẩm liên quan) đối với Hot Traffic.

Có nghĩa đối với phân khúc Cold Traffic, bạn sẽ phải tiếp cận họ một cách thông minh theo câu thần chú: “mình là bạn của nhau, mình đến để tìm hiểu bạn, để chia sẻ giải pháp cho vấn đề bạn gặp phải, mình không phải là người bán hàng”.

Bạn phải khiến họ mở lòng, rồi mang đến cho họ 1 thứ gì đó hữu ích hoặc có giá trị thực tế, hoặc giải trí, học tập. Từ việc này, bạn chắc chắn có thể chuyển đổi họ thành Warm Traffic, lúc này bạn mới bắt đầu bán hàng được rồi.

Mình thấy các quảng cáo ở nước ngoài áp dụng điều này khá thường xuyên và rất tốt luôn, ở Việt Nam thì chỉ một số doanh nghiệp lớn áp dụng điều này.

  • Bán sản phẩm giảm cân họ sẽ tạo trước 1 quảng cáo tặng 1 ebook hướng dẫn giảm cân trong x ngày.
  • Bán khóa học online họ sẽ cho học thử, hoặc tặng 1 cái gì đó qua email.
  • Bán sản phẩm vật lý họ sẽ tặng mã giảm giá,…

Cũng như quảng cáo dưới đây, Campaign Monitor (Một nhà cung cấp dịch vụ email marketing) sẽ cho người dùng những hướng dẫn về email marketing thông qua email trước tiên, chứ không hề quảng bá sản phẩm của họ ở đây.

Kiến thức quảng cáo trên Facebook Ads cơ bản cho người mới bắt đầu
Quảng cáo của Campaign Monitor là một nhà cung cấp dịch vụ email marketing

Các học viên của mình, trước khi họ bắt đầu hành trình bán hàng và quảng cáo trên Facebook (những người mới chưa bao giờ bán hàng hay bắt đầu từ những bước xây dựng doanh nghiệp bán hàng đầu tiên), mình khuyên họ theo các bước như sau:

  • Hãy tạo một fanpage mang thương hiệu của bạn
  • Hãy mang giá trị tới cho khách hàng bằng những bài viết thật sự bổ ích, những chia sẽ về giải đáp và nhu cầu thiết thực.
  • Tặng những Ebook giá trị giúp họ giải quyết vấn đề thật sự cần thiết.

Khi khách hàng theo dõi vô tình thấy nội dung của bạn trên Newsfeed của Facebook mà đúng cái họ quan tâm hay bắt nhịp tò mò của họ thì họ sẽ đọc, và sau đó họ sẽ vào trong fanpage của bạn tham khảo thêm.

Tới đây, lúc này fanpage của bạn đối với họ thật sự có giá trị, chắc chắn rằng họ sẽ không tiếc LIKE và THEO DÕI fanpage bạn mỗi ngày để hóng bài viết mới.

Khi đã có được những đối tượng tiềm năng như vậy cũng đồng nghĩa bạn đã có được những khách hàng tiềm năng có nhu cầu sẵn, những vị khách hàng này đang rất rất là quan tâm tới chủ đề của bạn luôn, lúc này bạn sẽ bán đâu trúng đó, không lo trúng gió.

Hoặc dưới đây bạn sẽ thấy Alphabook chạy Facebook Ads cho một Minigame nhằm tăng tương tác với khách hàng & nhận diện thương hiệu.

Kiến thức quảng cáo trên Facebook Ads cơ bản cho người mới bắt đầu
Một quảng cáo của Alphabook bán sách

IV. Facebook Ads Manager

1. Facebook Ads Manager là gì?

Facebook Ads Manager là khu vực quản lý các tài khoản quảng cáo và quảng cáo cơ bản mà bất cứ ai trong số chúng ta đều phải biết để vào khu vực này để tạo quảng cáo, chỉnh sửa quảng cáo, quản lý chiến dịch, nhóm quảng cáo và các quảng cáo nhỏ.

Bên cạnh đó là xem các thông số báo cáo của các chiến dịch quảng cáo đã chạy xem có tốt hay không, mật độ hiệu quả ra sao để thiết lập tùy biến lại cho tốt?

2. Hướng dẫn sử dụng Facebook Ads Manager

Để truy cập vào Ads Manager, bạn vào Menu của Business Manager => chọn Ads Manager (Phần Business là dành cho các Fanpage đã thêm vào Business để đảm bảo an toàn).

Kiến thức quảng cáo trên Facebook Ads cơ bản cho người mới bắt đầu
Vào giao diện của Ads Manager từ trình quản lý doanh nghiệp Business

Nếu bạn không có sử dụng Business thì thao tác như bình thường vì giao diện quảng cáo của Business hay cơ bản đều như nhau.

Xem thêm: Hướng dẫn tạo tài khoản quảng cáo Facebook Ads cho người mới

Giao diện của Ads Manager sẽ hiện ra như hình sau:

Kiến thức quảng cáo trên Facebook Ads cơ bản cho người mới bắt đầu
Giao diện quản lý chiến dịch quảng cáo của Ads Manager

Ở trong Ads Manager bạn sẽ có thể thao tác tạo cũng như quản lý quảng cáo, bạn còn có thể xem các kết quả mà Ads mang lại như số lượng tiếp cận, ngân sách đã chi tiêu, lượng tương tác, tỉ lệ chuyển đổi,…

Nếu bạn là một người mới (newbie) thì Ads Manager sẽ là công cụ mà bạn cần tiếp cận để làm quen đầu tiên với Facebook Ads đấy nhé.

Để tạo 1 chiến dịch Ads, chỉ cần đơn giản vào Ads Manager => chọn Create Campaign.

Sau đó bạn thiết lập theo các bước theo trình tự mà Facebook đưa ra để thiết lập chiến dịch là xong như thiết lập khu vực, giới tính đối tượng, độ tuổi, sở thích, hành vi, ngân sách chạy hàng ngày, kênh phân phối hiển thị quảng cáo,…

Kiến thức quảng cáo trên Facebook Ads cơ bản cho người mới bắt đầu
Tạo chiến dịch ở mục ngoài cùng trước khi tới nhóm quảng cáo và quảng cáo

Khi nào bạn cảm thấy quảng cáo không hiệu quả và muốn chỉnh sửa hoặc không muốn quảng cáo chạy nữa thì bạn cũng có thể vào Ads Manager để tắt quảng cáo đó đi.

Trước mỗi tên chiến dịch (campain) đều có nút bật/tắt (on/off). Hoặc bạn muốn chỉnh sửa ngân sách, chỉnh sửa các thiết lập đã tạo cũng sẽ vào lại khu vực này.

Kiến thức quảng cáo trên Facebook Ads cơ bản cho người mới bắt đầu
Bạn có thể dễ dàng thao tác bật/tắt quảng cáo nếu nó không hiệu quả

V. Các cấp độ của Facebook Ads

1. Có bao nhiêu cấp độ Facebook Ads?

Facebook có chia thành 3 cấp độ của một chiến dịch quảng cáo, đó là:

  • Campaign (chiến dịch)
  • Ad Set (nhóm quảng cáo)
  • Ad (quảng cáo)

Nếu bạn sử dụng Facebook theo ngôn ngữ Vietnamese thì sẽ dễ hình dung hơn.

Đi vào chi tiết hơn thì khi bạn bắt đầu tạo quảng cáo thì bạn sẽ phải tạo Campaign trước (Ví dụ: Video thú cưng) để quản lý 1 chuỗi chủ đề.

Trong Campaign bạn sẽ tạo Ad Set (Ví dụ: Video chó/mèo) để quản lý 1 chuỗi quảng cáo có chủ đề liên quan.

Trong Ad Set bạn sẽ tạo quảng cáo cho những bài viết tự tạo hoặc có sẵn trên fanpage mà bạn sẽ trỏ vào chạy quảng cáo.

Kiến thức quảng cáo trên Facebook Ads cơ bản cho người mới bắt đầu
Bên trái nếu bạn dùng giao diện English, bên phải nếu bạn dung giao diện Vietnamese

Ví dụ trên là cơ bản để bạn hình dung và phân chia chiến dịch cho dễ quản lý:

  • Tên chiến dịch là Video thú cưng (tổng hợp tất cả video thú cưng sẽ chạy trong chiến dịch này)
  • Tên nhóm quảng cáo là Video chó (tổng hợp các video chó chạy trong nhóm quảng cáo này)
  • Quảng cáo con là tên của post/video trên fanpage, sẽ là tất cả video về chó có trên fanpage.

Có lẽ bạn đã bắt đầu hình dung được phần cơ bản bên ngoài của phần Facebook Ads khi bắt đầu tạo chiến dịch rồi. Bây giờ bạn hãy mở Ads Manager ra, bấm Create Campaign để hiểu rõ hơn những gì mình đề cập nhé.

2. Chi tiết về các cấp độ của Facebook Ads

Khi bạn bấm vào Create Campaign (tạo chiến dịch) thì bạn có thể tạo tên của một Campaing mới để triển khai Ad Set mới (nếu bạn chưa bao giờ chạy Facebook Ads thì bạn sẽ bắt đầu ở đây).

Hoặc bạn cũng có thể tạo Ad Set mới trong 1 Campaign sẵn có (khi bạn đã từng chạy một Campaign nào đó trước và muốn set thêm quảng cáo trong này). Giờ mình sẽ giải thích về 3 cấp độ này cụ thể hơn để các bạn hiểu.

2.1 Campaign (chiến dịch)

Nó sẽ chứa các Ad Set và Ad ở trong. Khi bạn tạo Campaign, bạn sẽ chọn mục tiêu tiếp thị của bạn (Marketing Object).

Chẳng hạn mục đích mà bạn chạy Ads là để tăng lượt truy cập vào website, thì bạn sẽ chọn traffic. Hoặc mục đích của bạn là tăng lượng cài đặt ứng dụng thì bạn chọn App Install,… tùy thuộc vào mục tiêu và nhu cầu Marketing của bạn muốn triển khai.

2.2 Ad Set (nhóm quảng cáo)

Nằm trong Campaign, mỗi 1 Campaign bạn có thể tạo nhiều Ad set khác nhau để test xem Ad Set nào mang lại hiệu quả chất lượng nhất.

Nếu như ở phần Campaign, bạn chỉ chọn được Marketing Object thì Ad set sẽ là nơi bạn thiết lập nhiều thứ hơn nữ, cụ thể như là:

Audience: Chọn một tệp khách hàng sẵn có mà bạn muốn quảng cáo hiển thị đến. Chẳng hạn bạn muốn chạy Ads đến tệp Custom Audience là những người đã từng ghé thăm vào website của bạn, hoặc audience của bạn có thể là những người đã like fanpage của mình, target theo dữ liệu sẵn có của Facebook gợi ý, vị trí địa lý, độ tuổi, sở thích. hành vi….

Placements: Bạn có thể tùy biến thêm vị trí quảng cáo hiển thị nữa nhé: Chạy trên desktop (PC/Laptop) hay chỉ trên mobile/tablet, có cho chạy trên instagram hay không (nếu fanapge của bạn có liên kết với instagram), có cho hiển thị ở instant article hay không,….

Budget: Thiết lập ngân sách (hàng ngày/trọn đời) và lên lịch quảng cáo của bạn có thể chạy.

Schedule: Bạn có thể cho nó chạy ngay sau khi quảng cáo được duyệt hoặc hẹn giờ cho nó bắt đầu chạy hay thậm chí hẹn giờ ngừng quảng cáo. Facebook sẽ dựa vào thời gian và tính số tiền tổng chi tiêu trong quảng cáo của bạn.

Tùy vào Marketing Object của bạn là gì sẽ có những thiết lập khác đặc thù.

2.3 Ad (bài quảng cáo)

Đây chính là quảng cáo của bạn, nó sẽ nằm bên trong Ad Set. Đây sẽ là nơi bạn chọn Fanpage để chạy, chọn loại nội dung có sẵn trên page hoặc thiết kế một mẫu quảng cáo từ các công cụ Facebook cấp.

Tại đâu sẽ có thêm các tùy chọn đặt nút CTA, đặt link liên kết chuyển đổi, video gì, gắn Pixel vào web,…

Tương tự thì trong 1 Ad set, gợi ý của mình là bạn nếu mới chạy thì nên chạy test nhiều nhóm đối tượng, bạn có thể setup nhiều Ad khác nhau để xem Ad nào có hiệu quả nhất.

Ví dụ: Đặt tên A/B testing hoặc tên mục tiêu như A 13-65+, VN và B 15-40, HCM

Mỗi một Ad test thì đặt cho nó 1 khoảng ngân sách nhỏ vừa đủ để xác thực mức độ hiệu quả và chất lượng của mục tiêu trỏ đi.

Có người ngân sách lớn, có thể test vài chục cái Ad, nếu ngân sách nhỏ bạn nên chạy 3-5 cái và đo lường mỗi ngày hiểu mức độ hiệu quả. Việc này để cải thiện chân dung khách hàng khi bạn chưa có tệp khách hàng chuẩn với sản phẩm hiện có.

VI. Marketing Object

1. Marketing Object là gì?

mục tiêu marketing mà bạn hướng tới trong kế hoạch marketing.

Khi bạn bắt đầu set bất cứ chiến dịch quảng cáo nào thì điều đầu tiên Facebook sẽ hỏi bạn đó là “What’s your marketing objective?” => hiểu nôm na là mục tiêu tiếp thị của bạn là gì?

2. Phân nhóm trong Marketing Object

Có 3 nhóm mục tiêu chính mà Facebook gợi ý ra là :

  • Awareness: Nhận thức
  • Consideration: Cân nhắc
  • Conversion: Chuyển đổi
Kiến thức quảng cáo trên Facebook Ads cơ bản cho người mới bắt đầu
Giao diện English
Kiến thức quảng cáo trên Facebook Ads cơ bản cho người mới bắt đầu
Giao diện Vietnamese

Bên trong 3 nhóm này bạn sẽ thấy rất nhiều mục tiêu nhỏ khác nhau, nói chung là đủ thể loại như hình ở trên luôn đó.

Như mục: “Nhận diện thương hiệu (brand awareness), tăng traffic, tăng tương tác, tăng cài đặt app (app installs), tăng lượt xem video (video views), tăng chuyển đổi (conversion),….”

3. Mục đích của Marketing Object

Mục đích mà Facebook đưa ra những chọn lựa này trong Marketing Object ở phần đầu tiên khi bạn bắt đầu khởi tạo 1 chiến dịch đó là

  • Giúp cho quảng cáo của bạn sẽ tiếp cận và hiển thị với đúng khách hàng hơn
  • Tối ưu quảng cáo của bạn hiệu quả hơn đêm lại kết quả tốt hơn.

Mỗi một mục đích sẽ có những đặc tính riêng, vì vậy Facebook sẽ có những thiết lập hoàn toàn khác nhau khi bạn chọn Marketing Object khác nhau.

Chẳng hạn khi mình chọn Marketing Object là Engagement thì khi thiết lập Ad Set, bạn chỉ cần thiết lập Audience, Placements, Budget & Schedule.

Kiến thức quảng cáo trên Facebook Ads cơ bản cho người mới bắt đầu
Tùy theo mỗi thuộc tính chọn cho chiến dịch, Facebook sẽ đưa tới mục setup phù hợp

Nhưng khi mình chọn Marketing Object là Traffic thì ngoài 3 mục trên, còn có 2 mục khác cần thiết lập ở Ad Set: Traffic & Offer

Kiến thức quảng cáo trên Facebook Ads cơ bản cho người mới bắt đầu
Tùy theo mỗi thuộc tính chọn cho chiến dịch, Facebook sẽ đưa tới mục setup phù hợp

Tất nhiên, ai chạy Ads cũng rõ được mục đích của bản thân và trả lời được câu hỏi: “Mình đang chạy Ads với mục đích gì?”. Vì vậy bạn hãy chọn Marketing Object theo đúng mục đích của bạn để bắt đầu chiến dịch Ads hiệu quả từ bước khởi đầu nhé.

VII. Kết luận

1. Lưu ý trong Facebook Ads

Nếu bạn có kết quả chạy Ads không tốt trước đó thì hãy xem xét đầu tư lại phần Ad content và nội dung Media (video, hình ảnh) như hướng dẫn ở phần trên xem nhé, bạn sẽ thấy kết quả thay đổi rõ rệt đấy, mình sẽ có chút hướng dẫn vào các bài sau.

Nói tóm lại thì Facebook chỉ là 1 công cụ giúp bạn kết nối với khách hàng, giúp bạn gữi thông điệp tiếp cận tới người dùng, bạn phải luôn linh động tùy biến thông điệp đó như thế nào để có kết quả cao nhất.

Hãy luôn nhớ, bạn cần phải biết rõ khách hàng tiềm năng mà bạn đang tiếp cận là ai? Biết được chân dung khách hàng của bạn thế nào?

Bạn cần tập trung xây dựng mối quan hệ thân thiết với khách hàng, để tiến từ Cold Traffic tới được level Warm Traffic chứ không phải lao đầu vào chạy Ads bán hàng với Cold Traffic mãi một cách ngớ ngẩn đốt tiền.

Hãy hiểu rõ, bạn sẽ không thể đốt tiền mãi mãi cho Ads, bạn cần khách hàng biết bạn, nhớ bạn và truy cập vào nơi nào đó như website của bạn để mua hàng về sau này khi bạn không chạy Ads nữa, bạn vẫn có tiền đều đều.

Việc phụ thuộc vào Ads sẽ khiến bạn mệt mõi mỗi khi Facebook update, thay đổi, khóa tài khoản, bla bla hàng tá thứ khiến doanh thu trì trệ, lợi nhuận không có,…

Ngoài ra, bạn hãy vào Ads Manager để vọc vạch khám phá 1 chút, vừa đọc vừa học vừa hành thì mới hiệu quả và nhớ được chứ đừng đọc không bạn nhé.

Hãy bắt tay vào bấm vào tạo những chiến dịch đâu tiên và xem qua giao diện, biết rõ vị trí thiết lập các cấp độ quảng cáo Campaign – Ad Set – Ad và biết được mục đích quảng cáo của mình (Marketing Object) là gì nhé!

Bên cạnh đó, có lẽ có một thứ mà nãy giờ mình quên nhắc tới, đó là dù bạn làm gì thì không thể thiếu phần TƯ DUY.

Chạy Ads cũng vậy, ngoài việc học rèn luyện kỹ năng, hãy tư duy thêm (Marketing Mindset) bằng cách phác thảo ra trước kế hoạch của bạn và khám phá khách hàng cũng như khám phá Ads để có những tối ưu tuyệt vời nhất nhé, giảm ngân sách, tăng hiệu quả.

Hãy xem phần kế tiếp để giúp bạn có thêm một chút cái nhìn tốt hơn và tư duy hiệu quả hơn cho việc chạy Ads nhé.

2. Kết luận với Facebook Ads

Sau khi xem xong hết, có lẽ bạn vẫn còn nhiều thắc mắc, nhưng tất nhiên phải làm và thử ta mới hiểu được sâu hơn về cách thiết lập quảng cáo Facebook, cách chạy quảng cáo Facebook Ads, cách để Facebook chịu cắn tiền của mình,…

Bạn cần phải hoàn thành những bước đầu tiên và vượt qua thực nghiệm bài này cho trơn tru trước, đó là phải hiểu được hết những vấn đề cơ bản trên thì bạn mới có thể sử dụng tốt Facebook Ads nhé.

Phần kế: Tư duy chạy quảng cáo trên facebook hiệu quả hơn chú trọng kỹ thuật

Bạn có thể liên hệ với Lộc Nguyễn qua trang cá nhân hoặc để lại bình luận bên dưới để cùng thảo luận, mình sẽ giải đáp trong đa 12-24h, trừ khi mình bận sẽ lâu hơn xíu.

ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT
Theo dõi
Thông báo về
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
trackback

[…] Bên cạnh khái niệm “A/B testing là gì?” thì có một ví dụ về A/B testing tiêu biểu nhất mà chúng tôi muốn chia sẻ trong bài viết này, đó chính là quy trình chạy A/B testing với Facebook Ads. […]

0
Chúng tôi muốn được nghe bình luận góp ý của bạnx