Bạn đang muốn làm SSL miễn phí cho website của mình? Bạn đặt server website ở nước ngoài như Singapore, Hongkong, Japan,… và muốn tăng tốc độ tải trang ở Việt Nam tốt hơn? Bạn cũng đang mong muốn website của mình an toàn hơn và được Google tin cậy hơn?…
Tất cả sẽ vấn đề trên sẽ được giải quyết nhẹ nhàng với Cloudflare, một nền tảng gần như All in One (tất cả trong một) cho bạn với nhiều giải pháp hữu ích. Đặc biệt là nó hoàn toàn FREE luôn nhé, mà nếu bạn muốn dùng bản FEE (có phí) thì cũng có nhé, càng ngon lành hơn.
Dưới đây sẽ là các thông tin cơ bản về Cloudflare (CF) trước, nếu bạn lười xem thì có thể bấm CHUYỂN ĐẾN HƯỚNG DẪN luôn cho nhanh để thao tác nhé nếu đã từng biết CF là gì rồi. Còn nếu mà chưa biết thì bạn nên đọc qua các tác dụng và lợi ích khi dùng CF nhé.
Tại sao nên sử dụng Cloudflare?
Cloudflare là một nền tảngLộc phải nói nó tuyệt vời và là sự lựa chọn tối ưu ngân sách tốt nhất cho những bạn mới học làm website hay những blogger nhỏ có kinh phí hạn hẹp. Với CF, nó có thể giúp bạn giải quyết nhiều vấn đề hiệu quả đến khó tưởng nhưng lại hoàn toàn MIỄN PHÍ.
Cloudflare ngoài việc cung cấp cho website bạn một chứng chỉ SSL miễn phí hàng năm (tự gia hạn) hay SSL Full tích hợp thì nó còn hỗ trợ…
- Tăng cường bảo mật với Firewall (bản Pro)
- Ẩn IP gốc
- Giảm tải băng thông cho website
- Tăng tốc website của bạn mượt hơn qua việc nén HTML, CSS, JS,… và tối ưu qua CDN của Cloudflare phủ khắp thế giới (đã có ở VN).
- Thiết lập PageRULE với nhiều tiện ích
Hiện Lộc đang sử dụng nền tảng VPS Vultr và VPS này đặt ở Singapore nhưng traffic mục tiêu lại là Việt Nam, vậy nên mình dùng CF để tận dụng các lợi ích của nó khi tải trang tại Việt Nam và hỗ giảm băng thông hiệu quả nhất, bên cạnh đó là chặn 1 phần tấn công vào IP gốc.
Tại sao nên làm SSL miễn phí với Cloudflare?
Đơn giản chỉ là 2 chữ MIỄN PHÍ, hoặc có kinh phí thì bạn cũng có thể trả một khoản chi phí nhỏ mua SSL, tối thiểu chỉ tầm từ $3/năm (hơn 80.000đ) cho một chứng chỉ SSL full trả phí cơ bản, mà thôi $3 thì thà dùng SSL miễn phí nó cũng như nhau, ngon ngang nhau.
Nhưng với gói có phí (FEE) thì nó đồng nghĩa bạn có được một khoản bồi thường bảo hiểm cho site nếu website của bạn bị tấn công. Thật ra trên thế giới cũng chưa thấy ai nhận cái bảo hiểm này cả. Vậy thôi cứ phó thác cho Cloudflare và bạn sẽ được dùng toàn bộ dịch vụ FREE đầy tiện lợi.
Tại sao bạn nên dùng SSL cho Domain?
Có SSL nó sẽ giúp đường dẫn (URL) website của bạn thân thiện với Google hơn, tốt cho SEO hơn và được độc giả, khách hàng, đối tác tin tưởng hơn khi bạn làm một nền tảng bán hàng và thanh toán trực tuyến qua WooCommerce.
Tiêu biểu như, khi website có định dạng https://nguyenphatloc.com và phía trước có thêm icon ổ khóa xanh lá (xem trên URL của mình), điều đó giống như một sự đảm bảo an toàn cho khách truy cập.
Google rất yêu thích điều này, mà cái gì Google thích thì bạn nên theo nếu muốn làm SEO hiệu quả. Xem thêm: SEO là gì?
Còn nếu website có định dạng http://domain.com kèm them chữ “not secure” với dấu chấm than đỏ lè, đây là một điều mà Google cảnh báo người dùng rằng website này kém an toàn và không đáng tin cậy.
Nếu bạn bán hàng mà website đánh dấu đỏ thế này thì ai tin tưởng mà mua hàng đúng không? Bạn cũng không thể tích hợp nhiều dịch vụ về bán hàng và thanh toán hay liên kết tín dụng/cổng thanh toán bởi mức độ yêu cầu website https khá cao.
Ai nên làm SSL miễn phí với Cloudflare?
Cá nhân: Người mới tập tành làm website để làm cái blog nho nhỏ, bán hàng online, làm affiliate hay một tổ chức doanh nghiệp nhỏ mới hình thành,… SSL miễn phí là một sự cân nhắc hợp lý.
Blog này và các site nhỏ mình cũng dùng Cloudlfare để làm SSL miễn phí.
Tuy nhiên, đối với các website dự án quan trọng và website của công ty, tập đoàn… tóm lại là doanh nghiệp vừa và lớn thì có thể cân nhắc về mức độ quan trọng mà dùng SSL trả phí cho an tâm hơn bạn nhé!
Dùng CDN miễn phí của Cloudflare
Quá tuyệt vời khi mà Cloudflare cũng có cung cấp thêm dịch vụ CDN hoàn toàn miễn phí như SSL. Ở gói FREE bạn cũng được trải nghiệm CDN để tăng tốc website, lại tiết kiệm được thêm một khoản chi phí chi website.
Nếu bạn thuê Host/Vps tại Việt Nam, mặc định máy chủ đã đặt tại Việt Nam thì chả cần dùng CDN làm gì cả, chỉ làm chậm thêm website.
Nhưng nhiều bạn như mình thuê Host/VPS ở nước ngoài, server đặt chủ yếu thì Sing. Tokyo, HongKong thì cần dùng.
Thông thường nếu bạn dùng VPS để cài website như VPS Vultr mà mình dùng thì mặc định tốc độ load đã khá nhanh như cún chạy ngoài đồng rồi, kết hợp thêm CDN nữa thì tốc độ về Việt Nam lại càng thần sầu hơn.
CDN (Content Delivery Network) là mạng lưới các hệ thống các máy chủ được đặt tại nhiều nơi trên thế giới sẽ giúp tối ưu tốc độ website cho người truy cập, cải thiện chất lượng website và cung cấp nội dung nhanh hơn.
Bên cạnh đó, nếu bạn sử dụng các gói Shared Hosting giá rẻ của Godaddy, Namecheap thì sau 1 thời gian lượt truy cập tăng, nhiều plugin thì dẫn tới website khá chậm, vừa ảnh hưởng tới trải nghiệm người dùng (UX) mà còn làm chậm phần admin, ức chế đôi bên.
Nếu người dùng rời đi chỉ vì website chậm chạp, không có bảo mật thì giải pháp duy nhất MIỄN PHÍ và TIỆN LỢI là bạn phải nhờ tới Cloudflare, dịch vụ cực tốt cho bạn.
Bài viết dưới đây mình sẽ đi sâu vào “Hướng dẫn sử dụng Cloudflare làm SSL miễn phí và tăng tốc website WordPress với CDN” dành cho các bạn mới (newbie). Các bạn lâu năm thì đã quá rành rọt rồi.
Cloudflare là gì?
Cloudflare là một dịch vụ phân phối dữ liệu (CDN) lớn nhất trên thế giới hiện tại. Nghĩa là Cloudflare sẽ chịu sức tải 1 phần cho website của bạn, thay vì bình thường hosting của bạn sẽ gánh hết.
Một con số đáng kinh ngạc hơn nữa đó là có đến khoảng hơn 10% tổng số lượt tải website trên thế giới được “gánh” bởi Cloudflare. Họ còn có cả CDN (Content Delivery Network), đây là Data Centers của Cloudflare trải dài khắp mọi nơi trên thế giới.
Bên cạnh CDN thì Cloudflare còn có nhiều tính năng khác như:
- Cung cấp SSL miễn phí.
- Chống DDOS, tạo tường lửa bảo vệ website.
- Stream Video.
- Cung cấp các ứng dụng (apps) thêm tính năng cho website của bạn.
2019 mới đây, họ mới cập nhật thêm việc kinh doanh thêm tên miền nữa, các bên có thể transfer hoặc đăng ký tên miền tại Cloudflare để sử dụng luôn.
Thật tuyệt vời đúng không nào, không ai là không biết đến sự hiện diện của Cloudflare khi sử dụng website WordPress.
Bây giờ, chúng ta sẽ bắt đầu đi vào quá trình thiết lập và sử dụng Cloudflare nhé các bạn!
Hướng dẫn tạo tài khoản Cloudflare
Trước khi sử dụng Clouflare, bạn cần phải có 1 tài khoản trước, đăng ký tại: https://dash.cloudflare.com/sign-up
Bước 1: Điền Email và Password là xong.
Bước 2: Vào Email để kích hoạt tài khoản nữa là hoàn tất.
Khi đã kích hoạt tài khoản xong bạn sẽ được đưa thẳng tới trang chính (home) của Cloudflare, bây giờ bạn làm tiếp theo hướng dẫn của mình khá đơn giản.
Hướng dẫn thêm domain vào Cloudflare
Cloudflare đã thay đổi phần nào giao diện so với lúc mình bắt đầu viết bài này, nhưng các phần căn bản hoàn toàn như nhau, bạn vẫn có thể làm theo hướng dẫn bên dưới.
Lưu ý: Domain phải được trỏ IP về site của bạn trước dưới dạng http://domain .com rồi mới làm SSL nhé! Phần này đơn giản rồi mình không hướng dẫn thêm.
Bước 1: Tại trang Home, bạn bấm vào nút + Add a Site.
Bước 2: Điền domain của bạn vào sau đó bấm Add Site.
Bước 3: Ở trang điều khoản, bạn bấm Next.
Bước 4: Chọn Plan Free $0/month và bấm Confirm Plan, chỉ cần sử dụng gói miễn phí.
Bước 5: Tại mục cấu hình DNS, bạn có thể gán IP của Host/VPS vào thay cho IP mặc định (nếu đã trỏ IP trước rồi thì không phải làm gì cả). Bạn có thể tạm bấm “Continue” để qua bước này, lát quay lại cập nhật thêm cũng được.
Bước 6: Vào phần quản trị domain của bạn ở nhà cung cấp nơi bạn mua domain, tùy chỉnh “namsever mặc định” đổi sang “custom namesever” và đổi nameserver thành như yêu cầu của Cloudflare.
Bước 7: Sau khi trỏ namesever hoàn tất, bạn quay lại bấm vào Recheck Namesever và nó sẽ chạy 1 dòng xanh lá phía dưới, đợi chừng 5-10 phút recheck lại bạn sẽ thấy báo thành công.
Khi hoàn tất, bạn sẽ nhận được 1 Email dạng như này, nghĩa là các bước đều đã được thông qua hết một cách trơn nuột.
Bây giờ, mỗi khi bạn cần trỏ IP hoặc cấu hình DNS các thông số CNAME, MX, TXT hay bất cứ loại DNS nào chỉ cần vào thao tác trong Cloudflare thôi nhé.
Hiện tại, bạn có thể sử dụng Cloudflare miễn phí thôi, nó sẽ giúp bạn giảm tải tới 70% dung lượng băng thông, sau này lượng truy cập vào website lớn hơn nhiều thì có thể cân nhắc để nâng cấp lên trả phí sau.
Gói PRO với $20/tháng sẽ giúp cho website của bạn đảm bảo mức độ hiệu quả cao hơn rất nhiều, nếu thật sự cần thiết bạn nên cập nhật, không hề lãng phí, đáng dùng lắm.
Hướng dẫn làm SSL miễn phí với Cloudflare
Nếu bạn mới bắt đầu, chưa có nhiều kinh phí để mua SSL thì có thể sử dụng SSL miễn phí từ Cloudflare. Mọi bước cũng khá đơn giản thôi.
Bước 1: Vào mục SSL/TLS và chọn mục Flexible.
Bạn cần phải cài thêm plugin để hỗ trợ việc chuyển giao thức SSL này suông sẻ, vì khi chuyển SSL có thể website sẽ bị một chút lỗi HTML sắp xếp nội dung hay vỡ giao diện.
Bước 2: Vào phần quản trị của website, ở mục Plugin, bạn chọn cài mới và tìm Really Simple SL để tải về, xong hãy khoan kích hoạt.
Bước 3: Vào website ở mục Cài đặt – Tổng quan bạn đổi 2 dòng đường dẫn từ http sang https://domain.com và lưu lại. Sau đó, bạn sẽ bị văng ra và được yêu cầu đăng nhập lại, nhập email và mật khẩu để vô bình thường.
Bước 4: Vào lại site, ở mục Plugin đã cài đặt, bạn kích hoạt plugin Really Simple SL lên, nó sẽ hiện ra một dòng code để bạn ép SSL vào website, tránh vỡ giao diện hoặc URL không nhận chứng chỉ. (Hiện tại sẽ là một đoạn code khác tự add vô luôn, tuy nhiên bạn phải lưu lại đoạn này để nếu báo lỗi SSL thì làm tiếp bước 5).
//Begin Really Simple SSL Load balancing fix
if ((isset($_ENV[“HTTPS”]) && (“on” == $_ENV[“HTTPS”]))
|| (isset($_SERVER[“HTTP_X_FORWARDED_SSL”]) && (strpos($_SERVER[“HTTP_X_FORWARDED_SSL”], “1”) !== false))
|| (isset($_SERVER[“HTTP_X_FORWARDED_SSL”]) && (strpos($_SERVER[“HTTP_X_FORWARDED_SSL”], “on”) !== false))
|| (isset($_SERVER[“HTTP_CF_VISITOR”]) && (strpos($_SERVER[“HTTP_CF_VISITOR”], “https”) !== false))
|| (isset($_SERVER[“HTTP_CLOUDFRONT_FORWARDED_PROTO”]) && (strpos($_SERVER[“HTTP_CLOUDFRONT_FORWARDED_PROTO”], “https”) !== false))
|| (isset($_SERVER[“HTTP_X_FORWARDED_PROTO”]) && (strpos($_SERVER[“HTTP_X_FORWARDED_PROTO”], “https”) !== false))
|| (isset($_SERVER[“HTTP_X_PROTO”]) && (strpos($_SERVER[“HTTP_X_PROTO”], “SSL”) !== false))
) {
$_SERVER[“HTTPS”] = “on”;
}
//END Really Simple SSL
Lưu ý: Hiện tại khi bạn cài plugin Really SSL này vô, nó đã tự add đoạn trên vào config của bạn luôn, bạn có thể không cần thao tác Bước 5 bên dưới. Nếu chưa có, nó bắt bạn add 1 đoạn code khác, hãy làm tiếp bước 5 paste đoạn code đó vô + đoạn code phía trên luôn.
Bước 5: Bạn sẽ chép đoạn code trên vào file wp-config.php từ dòng thứ 2 dưới dòng <?php (dòng đầu tiên) và bấm save lại. (hãy lưu lại đoạn code này để dành khi chuyển site cần dùng ép lại SSL cho Homepage)
Bạn có thể sử dụng Bitsive SSH hoặc FileZilla để chỉnh sửa file wp-config.php bằng Notepad++.
- Tải Bitsive SSH.
- Tải File Zilla.
- Tải Notepad++
Bạn có thể xem hướng dẫn dùng Bitsive tại đây.
Bước 6: Bạn load lại website lần nữa là nó đã thay đổi sang SSL, thành công sau đó sẽ hiện một bảng kèm nút button xanh lá (Go Ahead), bạn bấm vào đó để kích hoạt với website là xong.
Xong rồi, từ giờ bạn có thể đăng nhập vào website dưới https://domain.com/wp-admin
Tăng tốc website WordPress với CDN của Cloudflare
Bước 1: Tại mục Speed, chọn tab Optimization, ở phần Auto Minify bạn tick chọn cả 3 CSS, HTML, JavaScript.
Bước 2: Nếu website của bạn đã cài xong SSL, kéo xuống dưới “ON” phần Brotli lên.
Bước 3: Tiếp tục kéo xuống chút, bạn hãy “ON” thêm tính năng Rocket Loader. Nhưng nếu bạn bật tính năng này lên mà bị lỗi JavaScript thì hãy “OFF” nó đi nhé.
Bên cạnh đó, website bạn có thể sử dụng thêm plugin tăng tốc và clear cache như WP Rocket, Swift Performance,… các plugin này có thể thêm API của Cloudflare vào.
Chú thích về các khu vực trên Cloudflare
Trên Cloudflare có khá nhiều tính năng, nếu bạn mới sử dụng sẽ không thể biết được những tính năng này là gì, mình dùng lâu chứ chỉ dùng một số cái hay thao tác, còn lại không quan tâm.
Bên trong mỗi tính năng chính còn có nhiều tính năng con.
Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn thì mình sẽ chú thích cho bạn:
Overview: Xem các trạng thái hoạt động của website bạn, chuyển đổi các gói sử dụng.
*Analytics: Sau khi cài Cloudflare được 1 thời gian, bạn có thể truy cập khu vực này để xem những dữ liệu như: “Lượng băng thông, lượng truy cập, các mối nguy hiểm, thống kê theo khu vực địa lý, trình duyệt, hiệu suất bảo mật,…“.
*DNS: Khu vực quản lý DNS của domain.
*Crypto: Khu vực thiết lập SSL miễn phí cho bạn.
Firewall: ON/OFF tường lửa. Nếu website của bạn mới, còn nhỏ thì không cần quan tâm đến. Nếu ON lên thì bạn có thể theo dõi xem IP nào nghi ngờ nguy hiểm thì chặn IP đó không cho truy cập vào website bạn nữa.
Access: Phân quyền cho 1 nhóm người nào đó có thể truy cập 1 lượng nội dung nội bộ. Cần thì dùng, không thì bạn cũng không cần quan tâm.
Speed: Thiết lập các tính năng tăng tốc cho website WordPress như mình hướng dẫn ở trên. Với gói Pro bạn có thêm 1 số tính năng khác như Polish hay Mirage, nếu bạn sử dụng thì cứ ON hết lên.
Caching: Quản lý bộ nhớ đệm (cache) của website, bạn cứ để mặc định. Nếu muốn xóa bộ nhớ đệm để chỉnh sửa vài thứ cứ nhấn Purge Everything. Bạn cũng có thể thiết lập sau bao lâu thì cache sẽ hết hạn.
Workers: Chạy JavaScript trên 150+ Data Centers của Cloudflare giúp giảm tốc độ tải trang. Chỉ dành cho những ai biết về JS thôi nhé. Không biết bạn không nên vọc, mà nó cũng tốn thêm tiền để sử dụng.
Page rules: Tạo quy định cho từng trang. Chẳng hạn, bạn muốn những thiết lập A không áp dụng đối với những trang B, hoặc không cần bảo mật những trang C,… hoặc là thiết lập chuyển tiếp domain A sang domain B khi sở hữu nhiều domain (như gõ domain.com sẽ thành domain.vn).
Networks: Khu vực quản lý các vấn đề liên quan tới mạng, để mặc định.
Traffic: Các dịch vụ này bạn cần mua thêm để sử dụng. Chẳng hạn Argo sẽ giúp website bạn giảm được tỉ lệ lỗi kết nối, hay Load Balacing sẽ tạo dữ liệu dự phòng. Mới bắt đầu thì bạn chưa cần quan tâm đến ẻm.
Stream: Nếu bạn upload video thẳng lên website của bạn, có thể dùng thêm tính năng này để giảm tải cho hosting/VPS. Giá của 1000 phút xem là $1.
Custom Page: Sửa nội dung cho các trang thông báo lỗi, tính năng này chỉ có ở gói Pro.
Apps: Tích hợp các ứng dụng bên thứ 3, mang lại cho website của bạn nhiều tính năng hơn. Nhưng mình không dùng đến vì đã có những plugin và công cụ khác thay thế tốt hơn. Hoặc những apps này đều có phiên bản riêng cho WordPress cả rồi bạn không cần để ý nó.
Scrape Shield: Bảo vệ nội dung của bạn. Chẳng hạn xáo trộn các địa chỉ email có trong nội dung của bạn, hoặc tự động ẩn nội dung cho các truy cập đáng ngờ. Mục này bạn cứ để mặc định.
Như vậy, mình đã hoàn tất bài Hướng dẫn sử dụng Cloudflare làm SSL miễn phí và tăng tốc website WordPress cho những bạn mới rồi.
Hi vọng qua đây các bạn sẽ có thể có một chứng chỉ SSL miễn phí cho website thân thiện và đáng tin cậy hơn, cũng như trải nghiệm tốc độ website được tốt hơn, tiết kiệm chi phí cho thời gian đầu vận hành website nhỏ.
Bạn có thể liên hệ với Lộc Nguyễn qua trang cá nhân hoặc để lại bình luận bên dưới để cùng thảo luận, mình sẽ giải đáp trong đa 12-24h, trừ khi mình bận sẽ lâu hơn xíu.